Lan trầm rồng đỏ có màu tím đặc sắc và khá đậm màu. Chúng có hương thơm dịu nhẹ kết hợp với thân cây xõa dài xuống dưới. Rất nhiều dân chơi lan yêu thích trầm rồng đỏ và săn lùng loài hoa này. Tuy nhiên, không dễ để bạn biết cách trồng và chăm sóc lan Trầm Rồng Đỏ. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu thêm về loài lan tuyệt đẹp này.
Tìm hiểu Lan Trầm Rồng Đỏ
Lan trầm rồng đỏ có tên khoa học là Den Nestor Red Dragon. Loại hoa này là kết quả lai tạo từ hai giống lan song hồng và giả hạc. 2 loại lan này có xuất xứ từ Đài Loan và được phân vào nhóm lan cao cấp. Lan trầm rồng đỏ thường ra hoa và nở vào mùa xuân với khí hậu ấm áp.
Thân của Trầm Rồng Đỏ có màu sẫm, mập như ngón tay cái và khi trưởng thành có thể dài hơn 50cm.
Sau 2 – 3 tháng trồng, Trầm Rồng Đỏ sẽ phát triển mạnh và cho hoa dọc theo thân với số lượng từ 20 – 30 bông. Những cánh bông sẽ nở rộ với màu tím đỏ rực rỡ. Điểm nhận biết khi hoa sắp nở là lá già rụng nhiều và các mầm chồi mọc từ gốc xuất hiện.
Đặc điểm sinh trưởng trầm rồng đỏ
Khi tiến hành ươm mầm hoặc chăm sóc lan trầm rồng đỏ, bạn cần tìm hiểu về đặc điểm sinh trưởng của cây. Cũng giống như những loài lan khác, trầm rồng đỏ là loại lan ưa khí hậu nóng ẩm với nền nhiệt độ khoảng 15 – 30 độ C. Loại lan này ưa sáng và có thể đặt ở nơi có nhiều ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, bạn nên cho cây vào bóng râm khi vào trưa để tránh hiện tượng cháy lá.
Độ ẩm thích hợp để trồng lan trầm rồng đỏ là từ 75 – 80%.
Cách trồng lan trầm rồng đỏ
Lan Trầm Rồng Đỏ thuộc giống lan thân thòng nên bạn có thể tham khảo cách trồng lan phi điệp hoặc lan trầm rừng,… Giai đoạn thích hợp nhất để trồng lan là vào dịp Đông Xuân hằng năm. Đây là thời điểm khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao, rất phù hợp để lan phát triển.
Có 2 cách trồng lan trầm rồng đỏ:
-
Trồng lan trầm rồng đỏ vào chậu
Chuẩn bị chậu: Có thể lựa chọn loại chậu nào cũng được, tuy nhiên, bạn cần tìm mua những loại chậu có kích thước vừa phải và khả năng thoát nước tốt. Nên chọn chậu gỗ hoặc chậu đất nung là thích hợp nhất.
Giá thể trồng lan: Có thể dùng mùn cưa, vỏ thông hoặc dớn vụn làm giá thể trồng lan. Nên trộn chung với xơ dừa và dớn tổ quạ để dung cấp dinh dưỡng và giữ ẩm cho lan.
Tiến hành trồng lan: Bạn đặt một miếng xốp lót xuống đáy chậu rồi rải các lớp vỏ thông và xơ dừa lên trên. Sau đó đặt nhánh lan rồng đỏ vào giữa rồi dùng mùn cưa hoặc dớn lấp đầy chậu.
Lưu ý: Nên để gốc của lan trồi lên trên bề mặt khoảng 20% và nên đặt thêm vụn dừa để giữ ẩm cho cây.
-
Trồng lan trầm rồng đỏ vào gỗ, lũa
Nếu như không thích trồng trong chậu, bạn có thể sử dụng gỗ hoặc lũa để chăm lan trầm rồng đỏ. So với việc trồng trong chậu, cây lan mọc trên gỗ hoặc lũa sẽ phát triển chậm hơn. Tuy nhiên, bộ rễ của lan sẽ phát triển mạnh hơn và chống chọi được nhiều loại bệnh.
Cách thực hiện khá đơn giản, bạn lựa chọn giá thể gỗ lũa phù hợp, sau đó cấy ghép cây lan vào các ụ gỗ này. Có thể cố định gốc bằng dây kẽm và tưới nước để giữ ẩm cho cây.
Cách chăm sóc hoa lan trầm rồng đỏ
Khi chăm sóc cây đến một thời gian nhất định, bạn cần biết thêm kỹ thuật này để kích thích lan ra hoa. Đầu tiên là giữ cho cây ở nhiệt độ khoảng 15 – 20 độ C trong vòng 1 – 2 tháng nhằm kích thích nảy mầm, ra hoa.
Cây lan trầm rồng đỏ ưa ẩm nên bạn cần tưới nước định kỳ 2 lần/ngày và giữ cho mức ẩm đạt 80%. Khi vào mùa thu, lá của cây vàng đi và rụng thì bạn tưới ít nước hơn.
Khi xuân sang, cây sẽ nhú nhiều mầm non ở gốc và chuẩn bị giai đoạn ra hoa. Lúc này, bạn nên tưới phun sương nhiều ở gốc để cho cây giữ ẩm và kích thích ra hoa.
Loại phân bón phù hợp cho lan trầm rồng đỏ là phân bón 20 – 20 – 20 hoặc 30 – 10 – 10. Ngoài ra nên kết hợp phân bón lá và phân bón tan chậm để cung cấp dưỡng chất cho lan.
Lưu ý: Khi thấy lan có dấu hiệu đứng ngọn và vàng lá thì nên phun thuốc 0 – 50 – 0 nhằm kích thích cây ra nụ.
Với những chia sẻ ở trên, hy vọng bạn đã biết cách chăm sóc lan trầm rồng đỏ. Đây là loại hoa đẹp, lâu tàn với giá trị thẩm mỹ cao. Nếu là người chơi lan, bạn không thể bỏ qua loại hoa tuyệt đẹp này nhé.