Tầm xuân là một loại hồng leo “dại”. Có lẽ, hiếm có loại hoa hồng nào có sức sống khỏe, mãnh liệt đến thế. Tầm xuân có khả năng leo nhanh và cao, thường được người dân trồng làm hàng rào tự nhiên kiêm làm cảnh bởi cây khỏe, ít phải chăm và rất nhiều gai nhọn, một hàng rào chống trộm hoàn hảo. Không biết đây có phải là loài hồng bản địa của Việt Nam hay không, chỉ biết tầm xuân có nguồn gốc khá lâu đời thường được trồng ở các vùng quê Việt Nam. Để tìm hiểu rõ hơn về cách trồng và chăm sóc hoa hồng tầm xuân, bạn đừng vội bỏ qua bài viết này nhé!
Phân loại hoa hồng tầm xuân
Tầm xuân là giống hồng dại, mọc hoang dã trên khắp các lục địa. Chúng rất đa dạng chủng loại, tại Việt Nam có một số loại như:
+ Tầm xuân trắng
+ Tầm xuân đỏ
+ Tầm xuân vàng
+ Tầm xuân hồng cánh đơn
+ Tầm xuân hồng cánh kép
+ Tầm xuân bắc
Trong đó, tầm xuân hồng cánh kép là giống được trồng phổ biến nhất.
Đặc điểm hoa hồng tầm xuân
Hồng tầm xuân là một giống hồng siêu leo, sinh trưởng phát triển khỏe vô đối trong họ nhà hồng. Chúng có sức sống dẻo dai trong mọi điều kiện khí hậu đất đai và hầu như không bị sâu bệnh hại.
Thân cây có màu nâu xám với vô cùng nhiều gai từ thân đến cành, cuống lá. Cành nhánh xanh tươi khỏe khoắn có thể vươn xa tới 5 – 10 mét.
Lá dạng kép lông chim 7 lá chét. Lá nhỏ, dài 2 – 5 cm, bề mặt lá có lớp lông tơ nhỏ.
Hồng leo tầm xuân có bộ rễ cực khỏe, cây có thể xanh tốt ngay tại những nơi thường xuyên bị úng hay khô cằn, thiếu dinh dưỡng, thiếu nắng. Cây có thế sống rất lâu năm, thân hóa gỗ, gốc cổ thụ.
Tầm xuân cực kỳ dễ nhân giống bằng cách giâm cành tầm xuân, chỉ cần cắt một đoạn cành ngắn rồi cắm xuống đất cũng lên thành cây.
+ Hình dáng hoa
Hoa hồng leo tầm xuân có cỡ bông nhỏ (đường kính bông khoảng 2 – 5 cm tùy giống) nhưng cực kỳ sai hoa, hoa kết thành từng chùm chi chít tới hàng chục, thậm chí hàng trăm bông. Khi vào mùa, hoa nở rộ sẽ tạo nên một bức tranh cực kỳ rực rỡ, ấn tượng không khác gì hoa hồng bên Nhật, Hàn hay Châu Âu.
+ Màu sắc: tím, đỏ, hồng, trắng, vàng
+ Hương thơm: ít thơm/thơm nhẹ
+ Độ bền hoa: 2 – 3 ngày
+ Độ lặp hoa: hoa chỉ ra một mùa duy nhất trong năm, đó là vào mùa xuân ở miền bắc, hoa nở rộ từ tháng 3 đến tháng 5. Ngoại trừ những vùng có khí hậu đặc biệt như SaPa, Đà Lạt, Tam Đảo… cây có thể ra hoa lác đác quanh năm nhưng sai hoa nhất, rực rỡ nhất vẫn là vào mùa xuân. Còn lại các tỉnh miền trong có thời tiết nắng nóng hoa hồng tầm xuân không ra hoa.
Yêu cầu kỹ thuật khi trồng và cách chăm sóc cây Hoa hồng leo tầm xuân
-
Đất trồng
Tầm xuân là loại cây dễ trồng, tính thích ứng mạnh nên cây không kén đất. Loại đất phù hợp để trồng loại cây này thường là đất cát pha, đất thịt nhẹ hoặc loại đất dễ thoát nước. Đối với đất có độ pH<4.5 cần phải thêm vôi bột để dung hòa. Với loại đất trung tính hoặc hơi chua cây sẽ phát triển, sinh trưởng mạnh mẽ hơn và cho nhiều hoa hơn.
-
Thời vụ và chọn giống
Thích hợp với thời tiết ấm áp nên thời gian phù hợp để trồng Hồng leo thường vào mùa xuân, thời gian sau tết. Nếu bạn có ý định trồng một giàn hoa để trang trí cho gia đình mình thì đừng nên bỏ qua khung thời gian lý tưởng này nhé.
Một yếu tố cũng rất quan trọng ảnh hưởng đến việc trồng hồng leo có thành công hay không đó là ở việc chọn giống cây. Hồng leo tầm xuân thường sử dụng cách thức cắt ghép ươm trồng để nhân giống nên khi lựa chọn nhân giống bạn nên chọn những cành khỏe mạnh mập mạp, mầm ngủ nổi rõ đồng thời loại bỏ những đoạn ngọn non và gốc già để cây có thể phát triển một cách tốt nhất.
-
Kỹ thuật trồng cây hoa tầm xuân
Hồng leo tầm xuân là loại hoa dễ trồng, dễ chăm sóc bởi cây thuộc loại ưa sáng chịu lanh, ưa thông thoáng, mát mẻ. Cây không phải loại ưa nước nên không cần tưới nước nhiều có thể từ 3-5 ngày tưới nước một lần.
Trong giai đoạn đầu, để mầm cây có thể thích nghi sống sót thì trước lúc trồng nên bót lót phân hữu cơ, về sau thì cứ mỗi năm bón 4 đợt để cung cấp thêm dưỡng chất cho hoa.
Sau khi lựa chọn đất và bổ sung dưỡng chất thì lấy cành tầm xuân đã lựa chọn, cắt hom cây khoảng 25cm (có thể sử dụng dao sắt cho việc chặt, cắt để tránh làm xơ xước cành, dễ làm cành mất nước và nhiễm khuẩn sâu bệnh khi trồng).
Cắm hom cây nghiên 45 độ, sâu 5cm theo hàng ngang và mỗi hom cây cách nhau 50cm. Sau khi trồng xong nên tưới nước 1 lượt. Có thể sử dụng gốc rạ, rơm khô rải trên bề mặt để giữ độ ẩm cho cây.
Khi tầm xuân đơm bông nên thường xuyên ngắt bông để hoa ra liên tục. Số lần ngắt bông càng nhiều thì hoa sẽ nở càng nhiều. Đồng thời nên cắt tỉa cành cây thường xuyên, loại bỏ những cành già yếu sâu bệnh để cây có thể tập trung dưỡng chất nuôi nụ nuôi bông như vậy cây sẽ phát triển nhanh, hoa mọc nhiều và cho bông đẹp hơn. Lưu ý việc tỉa cành cây nên thực hiện trước mùa hoa nở hoặc thời kỳ cây ngủ nghỉ.
Giai đoạn chăm sóc nên chú ý đến việc làm cỏ và xới sáo đất, Cũng như các loại cây khác, việc bị sâu bệnh là không thể tránh khỏi. Ngoài việc chăm sóc cây khỏe mạnh để cây có sức chống chịu tốt thì nên sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng loại bệnh, đồng thời cắt tỉa một số lá sâu, lá bệnh để tránh bị lan rộng.
Rất mong rằng những thông tin về hoa hồng Tầm Xuân chúng tôi chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại hoa này. Đồng thời bạn sẽ có thể trồng và chăm sóc cây hoa cách tốt nhất. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi bài viết.