Cây hoa hồng Quế là một trong các giống hoa hồng cổ Việt Nam. Vy’s Farm tổng hợp các thông tin về cây hồng này bao gồm nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, công dụng và lợi ích cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Bạn cùng tìm hiểu thêm thông tin về loài hoa này với chúng tôi nhé.
Nguồn gốc
Hồng quế là loài hoa hết sức quen thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam. Chúng xuất hiện rất nhiều trong vườn nhà của nhiều gia đình từ bao đời nay và được cho là giống hồng cổ bản địa lâu đời nhất của Việt Nam.
Đặc điểm
Hoa hồng Quế là một giống hồng bụi, thân gỗ, sống lâu năm (có nhiều cây cổ thụ vài chục, thậm chí gần trăm năm tuổi).
Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh cực tốt, có sức sống mãnh liệt trong mọi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Việt Nam. Dó đó, hồng quế hồng là loài dễ trồng, dễ chăm sóc nhất trong tất cả các giống hoa hồng hiện nay.
Cây phân nhiều cành nhánh với thân nhỏ, mềm, màu xanh đậm, trên thân có nhiều gai và có tán rộng.
Lá có dạng kép hình lông chim, lá chét màu xanh tươi, hình bầu dục hơi tròn, viền lá có răng cưa ngắn và dầy.
Kích thước trung bình của cây trưởng thành là cao 1,5 – 3 m, đường kính tán 1,2 – 2,5 m.
+ Hình dáng hoa:
Hoa hồng quế hồng có cánh mỏng, cánh nhỏ hơn so với đại đa số các giống hồng khác, cánh xếp thưa và tròn đều xung quanh nhị.
Số lượng cánh từ 8 – 12 cánh, đường kính bông 3 – 6 cm (mùa hè bông thường nhỏ và ít cánh hơn so với mùa thu và mùa đông).
Hoa thường nở thành từng chùm, mỗi chùm có từ 5 – 12 bông.
+ Màu sắc:
Màu hồng cánh sen.
+ Hương thơm:
Hương thơm dịu nhẹ.
+ Độ lặp hoa:
Hoa lặp rất nhanh, cứ 14 – 21 ngày cho một lứa hoa mới. Cây cực kỳ sai hoa và ra hoa liên tục quanh năm.
+ Độ bền hoa:
Hoa khá mau tàn, từ khi chớm nở tới khi tàn 1 – 3 ngày, tuy nhiên cây có rất nhiều nụ và các nụ nở dần dần khiến thời gian chơi hoa vẫn được kéo dài.
Kỹ thuật trồng hoa hồng Quế
-
Bước 1: Chuẩn bị nguyên vật liệu
+ Chậu: chậu nhựa hoặc chậu sứ.
+ Đất: đất thịt pha cát.
+ Phân bò hoặc phân gà đã được ủ hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh.
+ Trấu hun dở.
Trộn đất, trấu, phân theo tỉ lệ (thể tích) 5 : 3 : 2. Lưu ý: Không trộn các loại phân động vật chưa được ủ hoai hay phân hóa học vào đất.
-
Bước 2: Trồng cây
+ Cho giá thể đã trộn vào 1/2 chậu.
+ Xé bầu ươm nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng tới bộ rễ.
+ Cho cây vào chậu và phụ thêm giá thể vào xung quanh miệng chậu.
Sau khi trồng cần tưới nước và để cây vào nơi râm mát ít nhất 7 ngày.
Sau đó dần dần cho cây tiếp xúc với ánh nắng và có thể bón phân.
Kỹ thuật chăm sóc cây hoa hồng quế hồng trong chậu
+ Ánh sáng: cây ưa nắng, tạo điều kiện cho cây hứng nắng ít nhất 5 – 6 giờ/ngày.
+ Tưới nước:
Tưới nước điều độ để duy trì độ ẩm vừa phải cho đất. Không nên tưới quá muộn, nước đọng lại trên lá dễ phát sinh nấm bệnh. Ngoài tưới, có thể xịt vòi phun áp lực từ mặt dưới lá để ngăn ngừa nhện đỏ hại cây.
+ Bón phân: theo hướng hữu cơ
Một tuần tưới đậu tương bổ sung dinh dưỡng, một tuần phun dịch chuối bổ sung kali. Ngoài ra, bón thêm phân Nhật bổ sung khoáng, vi lượng.
Lưu ý: Ngay sau khi cắt tỉa cành nên tưới/bón phân để kích thích cây bật lộc.
+ Cắt tỉa:
Sau mỗi chu kỳ hoa nên bấm tỉa những cành tăm, lá vàng, hoa tàn giúp cây thông thoáng, giảm thiểu sâu bệnh, tạo tán theo ý muốn và đặc biệt cây sẽ bật nhiều mầm lộc, cho nhiều hoa hơn.
+ Sâu bệnh: cây quế hồng có thể mắc một số sâu bệnh trên hoa hồng, cần phải theo dõi thường xuyên tình trạng của cây để phòng và chữa trị kịp thời.
Trên đây là thông tin liên quan đến hoa hồng Quế chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Mong rằng việc trồng và chăm sóc loại hoa này sẽ không còn là vấn đề khó khăn với bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi bài viết.