Nhiều bạn hỏi dùng đất tribat trồng sen đá được không, vì dễ mua và rẻ. Câu trả lời là không, lý do vì loại đất này giữ ẩm và giữ nước tốt, rất lâu thoát nước… mà đây là điều tối kỵ khi trồng sen đá.
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn bạn cách trồng sen đá bằng hỗn hợp xỉ than, đá perlite, đá vermi, tro trấu hun hạt lớn và phân trùn quế. Trong đó chỉ xỉ than là cần xử lý, còn các nguyên liệu khác có thể mua sẵn.
I. Cách trồng sen đá trong chậu tại nhà
1. Xử lý xỉ than trồng sen đá
Bạn cần chọn những cục xỉ than già, sậm màu ở lõi, để khi đập ít bị vụn và thu được nguyên liệu nhiều nhất.
Cho xỉ than vào bao rồi đập nhỏ.
Sàng lọc để loại bỏ vụn và mảnh nhỏ (nếu sử dụng sẽ gây úng).
Ta chọn những hạt xỉ than nhỏ, kích thước từ 1-5mm để trồng sen đá.
Đối với những hạt xỉ than lớn, tiến hành đập tiếp để lấy các hạt nhỏ như trên.
Sau khi có xỉ than kích thước như mong muốn, cho vào ngâm nước 1-2 ngày để loại bỏ phèn và côn trùng. Trong thời gian ngâm, nên thay nước 2-3 lần.
Sau khi ngâm, mang xỉ than ra phơi khô, vì để ướt trồng sen đá sẽ gây ngập úng.
2. Trộn giá thể trồng sen đá
Trộn đều hỗn hợp gồm xỉ than, đá perlite, đá vermi, phân trùn quế và trấu hun hạt to với tỷ lệ 8:2:2:2:5.
Tỷ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc vào thời tiết địa phương, miễn sao vẫn đảm bảo thoát nước tốt.
Sau khi trộn, dùng tay nắm lại, thả ra nếu hỗn hợp dễ dàng rời ra thì đã đạt tiêu chuẩn thoát nước tốt. Còn nếu không rời ra, vẫn vón cục thì cần bổ sung thêm xỉ than hoặc (và) đá perlite.
Trong hỗn hợp này: xỉ than, đá perlite, tro trấu có tác dụng thoát nước tốt; đá vermi giúp thoát nước và cung cấp khoáng chất; phân trùn quế cung cấp dinh dưỡng, sạch, không bị nóng và không gây thối rễ.
3. Kỹ thuật trồng sen đá
Sen đá mới mua về, tháo bịch, loại bỏ đất trồng, lá úng héo, rễ hư và rễ phụ. Sau khi trồng, sen đá sẽ tự ra rễ mới giúp cây khỏe hơn.
Đối với sen đá chuỗi ngọc nên cắt để lại 3cm rễ tính từ gốc.
Sau khi xử lý xong, đặt sen đá vào bóng mát 2 ngày rồi mới tiến hành trồng.
Chọn những viên xỉ than kích thước tương đối lớn lót dưới đáy chậu để giúp thoát nước tốt. Rồi mới cho hỗn hợp đất trồng vào đến ½ chậu.
Đặt sen đá vào giữa chậu, một tay giữ, một tay cho nốt đất trồng vào.
Nên để trống 1cm khoảng cách từ miệng chậu tới mặt đất, mục đích để khi tưới đất không bị tràn ra ngoài gây trôi chất hữu cơ và không bắn lên cây gây vết lem.
Trải một lớp xỉ than hạt lớn hoặc đá perlite lên bề mặt giúp chậu đẹp hơn mà vẫn đảm bảo thoáng khí.
Trồng sen đá không yêu cầu nhiều về dinh dưỡng, tuy nhiên muốn cho cây phát triển mạnh mẽ thì nên dùng thêm phân tan chậm.
Loại phân tan chậm mà mình thường dùng là 14-14 của Thái Lan và Divital của Đức.
Một chậu sen đá dùng 5-10 hạt rải quanh gốc, mỗi lần tưới nước, phân sẽ tan ra cung cấp dưỡng chất cho cây. Mỗi lần rải phân cách nhau 1 tháng.
II. Cách chăm sóc sen đá trong chậu
1. Tưới nước
Tuyệt đối không dùng bình phun sương, bình xịt để tưới vào lá sen đá, vì như vậy sẽ có nước đọng trên lá, khiến lá bị thối, mà bình xịt phun cũng không đủ để làm ẩm cho đất được.
Nếu dùng cốc chén thì tưới thẳng và vùng đất xung quanh chậu sao cho nước ngấm vào toàn bộ đất và không bị đọng lại trên lá.
Nếu dùng bình tưới hãy chỉnh phần vòi bình sang chế độ phun tia, nên phun nhẹ để tránh nước bắn tung tóe ra ngoài.
Cũng có thể đặt nguyên chậu vào một cái xô nước, sao cho nước ngập đến 2/3 chậu, sau 1-2 phút thì lấy chậu ra ngoài cho ráo nước. Đây là phương pháp tưới ngấm, rất hiệu quả để tránh nước bị dính vào phần lá.
Còn nếu dùng bình tưới chuyên dụng cho sen đá thì dễ dàng hơn rất nhiều, vì loại bình này có vòi dài định hướng dòng chảy, nên chỉ cần cho vòi vào sát gốc rồi bơm nước ngấm thẳng vào đấy. Trên bình cũng có hiển thị thể tích nên bạn cũng dễ dàng kiểm soát lượng nước tưới hơn.
2. Thay đất
Sen đá không cần quá nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên nếu muốn cây khỏe đẹp, phát triển tốt nên thường xuyên bổ sung dưỡng chất bằng các loại phân bón qua lá, phân dynamic hay phân tan chậm. Đồng thời, mỗi năm cần thay đất 1–2 lần để đảm bảo cây không bị thiếu dưỡng chất.
3. Ánh sáng
Sen đá cũng giống như hầu hết các loại cây mọng nước khác, chúng cần rất nhiều ánh sáng để phát triển. Trung bình mỗi ngày cần được ở ngoài nắng 6-8 tiếng mới đủ cho sự phát triển và suy trì màu xanh của cây.
Nếu trường hợp đặt chậu cây trong phòng thì 2 ngày phải mang cây ra ngoài phơi nắng ít nhất một lần để lá không vị héo úa và rụng.
4. Phòng trừ sâu bệnh
Thực tế, sen đá là cây có sức sống và khả năng chống chịu mãnh liệt dù việc trồng không được chỉnh chu, tuy nhiên không có nghĩa là cây không bị sâu bệnh hại. Sen đá thường bị rệp sáp và nấm tấn công.
Biểu hiện rõ nhất khi sen đá bị bệnh là lá bị thối đen, lan dần sang các lá khác và toàn thân. Bệnh này thường phát triển mạnh tại thời điểm giao mùa, khi mùa mưa kéo dài.
Nếu phát hiện các biểu hiện trên thì phải cắt bỏ đi. Để hạn chế đến mức tối đa trường hợp không mong muốn này, cần có sự chuẩn bị và phòng bệnh từ sớm.
Đối với rệp sáp thì nên diệt trừ kiến, đây là biện pháp phòng trừ hữu hiệu nhất bởi kiến chính là thủ phạm tha rệp sáp tới tấn công sen đá. Kết hợp dùng thuốc diệt rệp sáp để rải xung quanh gốc cây.
Còn trong trường hợp sen đá bị nấm, trước tiên cần tách cây khỏi vùng trồng bị ẩm ướt quá lâu. Nhổ cây lên, loại bỏ hết lá bệnh, dùng dao cắt phần thân bị thối, chỉ giữ lại phần khỏe mạnh. Để trong bóng mát khoảng 3 ngày rồi trồng lại. Đồng thời, kết hợp phun các loại thuốc phòng bệnh như COC85, Anzil,…
III. Những câu hỏi thường gặp khi trồng sen đá
1. Đá perlite và vermi có thể thay bằng gì?
Có thể thay đá perlite bằng xốp, vỏ trấu hoặc cát. Tuy nhiên cát khá nặng, nặng hơn đá perlite nên đá perlite vẫn là lựa chọn tốt nhất.
Có thể thay đá vermi bằng vỏ thông nghiền mịn, nếu không có thì thay bằng vỏ và thân cây nghiền mịn. Ngoài ra có thể thay thế bằng than bùn và xơ dừa.
2. Sen đá chuỗi ngọc nhân giống bằng lá hay giâm cành?
Cách nhân giống sen đá chuỗi ngọc tốt nhất là bằng lá và tách bụi vào mùa Thu hoặc Xuân.
3. Khi tưới, phân trùn quế với trấu có đọng ở dưới làm úng cây không?
Bạn nên lót đá perlite hoặc xốp dưới đáy chậu thì sẽ không bị úng.
4. Hỗn hợp 80% cát và 20% đất tribat có trồng được không?
Vì đã có cát nên có thể nói là được, miễn là thoát nước tốt, cách kiểm tra đất mình có trình bày bên trên rồi đó ạ.
5. Có thể lấy phân trộn chung với đất không?
Không nên, hỗn hợp này thoát nước không tốt sẽ gây úng.
6. Bao lâu thay đất một lần, ngoài tưới nước có cần bón phân không?
Một năm thay đất 1-2 lần, dùng phân bón tan chậm nếu muốn cây phát triển mạnh.
7. Thay xỉ than bằng đất nung có được không?
Không nên, vì đất nung giữ nước tốt, có thể gây úng.
8. Lỡ tưới nước nhiều quá khiến lá nhăn nheo?
Lấy sen đá ra khỏi chậu, cắt bỏ phần hư hỏng, để trong mát 2 ngày rồi trồng lại bằng giá thể thoát nước tốt.
Trên đây là hướng dẫn trồng sen đá trong chậu mà bạn có thể thử ngay tại nhà mang lại hiệu quả cao và những chậu sen đá cực đẹp khoe bạn bè.